TRUYỆN BA GIAI TÚ XUẤT - BacNguyenA2Z
Tin tức [Biển Đông]:
 http://bacbacnguyen.blogspot.com/
 photo saobang_zpsf105e251.gif
 photo biendong_zpsf9465ccc.gif
Home » , » TRUYỆN BA GIAI TÚ XUẤT

TRUYỆN BA GIAI TÚ XUẤT

Written By Unknown on Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013 | 01:38


Ba Giai -Tú Xuất là ai?

Hai cái tên Ba GiaiTú Xuất thì có lẽ không mấy người Việt Nam không biết đến vì họ thuộc dạng nổi danh nhất trong lịch sử văn hóa dân gian. Tuy nhiên, Ba Giai Tú Xuất chính xác là ai thì chưa mấy ai từng biết đến.

  Trước khi đi tìm gốc gác thật sự của hai con người lắm chiêu này tôi đã được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, giảng viên văn học dân gian... ở các viện nghiên cứu, trường đại học. Đáng tiếc, hầu hết mọi người, mọi sử liệu cũng chỉ biết và ghi về Ba Giai-Tú Xuất qua những giai thoại, tư liệu phỏng đoán còn thân phận thực sự hai người này thì không có. Gạn lại tất cả các tư liệu tôi chọn lấy hai địa danh "khả nghi" và quyết định khăn gói tìm về quê của Ba Giai-Tú Xuất, những người (nếu có thật) sống cách tôi ít nhất là hai thế kỷ.
Giỗ tổ họ Nguyễn Đình được tổ chức rất uy nghi
Tìm người đời xưa giữa "biển" giai thoại
Là sản phẩm văn hóa dân gian, truyện dân gian nên bản thân những câu chuyện về Ba Giai - Tú Xuất đúng hay sai còn chẳng rõ nữa là đến thân phận tác giả. Trong lịch sử hai ông này không được nhắc đến. Có người bảo trong bối cảnh lịch sử xã hội lúc đó với nhiều điều đánh giá phức tạp nên cũng chẳng ai quan tâm đến việc khảo cứu lai lịch của các cá nhân ấy làm gì. Ba Giai-Tú Xuất chỉ là hiện tượng văn hóa thời điểm khoảng 1872-1882 (thời điểm Pháp đánh chiếm Hà Nội) chứ không phải là những người có công chống ngoại xâm nên lịch sử không ghi lại lai lịch rõ ràng của hai ông cũng là điều dễ hiểu.
Theo một số tài liệu thì Ba Giai tên thật là Nguyễn Đình Giai quê ở Hồ Khẩu (làng Bưởi) Hà Nội, Tú Xuất cũng họ Nguyễn Đình, có người nói ông ở Thanh Hóa hay Nghệ An gì đó. Có người lại nói Tú Xuất quê ở Thanh Oai (Hà Tây cũ). Và tôi quyết đến thực địa những địa danh có lẽ là rõ ràng nhất về hai ông. Nhưng khi đến Hồ Khẩu, tức làng Bưởi đi hỏi hết tất cả những bô lão ở đây chẳng ai biết thông tin gì về Ba Giai.
Những chứng tích để lại cũng hoàn toàn không có. Khi những manh mối về Ba Giai đã đi vào ngõ cụt tôi đành chuyển hướng tìm quê Tú Xuất theo thông tin là ở Thanh Oai (Hà Nội). Thật lòng đã lỡ mất nhiều công sưu tầm tài liệu nên tôi đành "chót một phen" mà không tin tìm được gốc gác của con người như.... giai thoại này.
Đến huyệnThanh Oai, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Phan Duy Thành chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi "ông có biết thông tin gì về tên tuổi ông Tú Xuất?". "Biết chứ, ở Thanh Oai ai chả biết tên tuổi con người nổi tiếng này. Con cháu ông hiện ở thôn Tân Tiến và Tân Dân thuộc xã Phương Trung. Các anh xuống đó con cháu cụ kể cho nghe, ai cũng rành rành mà. Phòng Văn hóa - thông tin huyện cũng đã nhiều lần tiến hành tập hợp những thông tin liên quan tới cuộc đời ông và tới nay vẫn tiếp tục tiến hành tìm hiểu". ông Thành nói như không trong khi tôi hết sức ngạc nhiên. Hóa ra, chỗ chôn rau cắt rún của cụ Tú Xuất chỉ cách trung tâm Hà Nội có vài chục km mà lâu nay vẫn nhiều người không rõ.
Ông Tạ Quang Hải, Trưởng ban văn hóa xã Phương Trung nói: "Một trong những hậu duệ của cụ Tú Xuất hiện cũng đang công tác tại xã, anh yên tâm, tôi sẽ mời người nhà cụ Tú nói chuyện, thông tin đầy đủ mà". Người ông Hải nói đến chính là ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Phương Trung. Ông Hùng rất tự hào khi tuyên bố: "Cụ Tú nhà tôi là đời thứ 4 của họ Nguyễn Đình còn tôi là đời thứ 8, con cháu cụ hiện đã là đời thứ 11".
Ông Hải rút từ trong ngăn tủ làm việc ra cuốn "Gia phả họ Nguyễn Đình" và bảo: "Trong này có nói về cụ Tú Xuất nhưng nói nhiều nhất vẫn là bố cụ Tú, là ông Nguyễn Đình Lập. Anh về hôm nay đúng ngày giỗ họ Nguyễn Đình, những người làm ăn xa đều tề tựu về đây đầy đủ. Các cụ cao niên trong dòng họ cũng đều có mặt tại nhà thờ. Tôi sẽ đưa anh đến đó để nghe các cụ nói cho rõ vì các cụ là những người am hiểu chữ nho và nghiên cứu kỹ về cụ Tú Xuất".
Dòng dõi danh học
Ngày giỗ tổ của dòng họ Nguyễn Đình hàng năm lớn lắm, con cháu dù bận bịu trăm bề cũng về tề tựu đông đủ. Ngay khi bước chân vào thôn Tân Tiến, nơi có nhà thờ tiếng trống chiêng đã vang lên rộn rã. Hàng trăm người từ già tới trẻ đứng chật như nêm từ ngoài ngõ dẫn vào nhà thờ. Bên trong các lễ nghi đang diễn ra trang trọng, uy nghi. Tục lệ tế lễ giổ tổ của dòng họ Nguyễn Đình cũng lạ, tất cả đều do chị em phụ nữ đảm nhiệm, nam giới chỉ đứng vòng ngoài xem lễ. Cũng nhờ tục nữ lễ đó nên dù đang chính lễ nhưng khi biết tôi muốn tìm hiểu về cụ Tú Xuất các phụ lão vui vẻ mời tôi cùng về nhà ông Nguyễn Đình Hảo, thuộc đời thứ 8 là người am hiểu nhất về dòng họ.
Ông Nguyễn Đình Hảo, người biết nhiều thông tin nhất về dòng họ của cụ Tuất Xuất đang đọc gia phả cho con cháu và PV nghe
Ông Hảo là người ăn to nói lớn, giọng điệu hào sảng. Ông ngồi ở chiếc ghế chính diện giữa nhà kể cho tôi và các con cháu đang vây quanh nghe về dòng tộc, về cụ Tú Xuất. Thế nhưng chỉ ngồi được một phút ông đã đứng dậy, cứ chồm lên ngồi xuống không yên. Trên nét mặt ông hiện rõ niềm tự hào vô bờ bến khi nói về "cụ Xuất nhà mình".
Có lúc ông Hảo trầm ngâm khi nói về cuộc đời lưu lạc chìm nổi của cụ Tú nhưng rồi lại hứng chí cười khà khà khi kể đến chuyện Tú Xuất - Ba Giai đã chơi khăm quan tham thế nào. Phải thừa nhận ông có lối kể chuyện cuốn hút, cũng dễ hiểu bởi ông nguyên là giáo viên dạy văn, hơn nữa tôi có cảm tưởng ông có dòng máu hài hước của cụ Tú Xuất.
Ông Hảo cho biết, những diễn biến của dòng họ từ cuối thế kỷ XIX đến nay đều được ghi chép đầy đủ. Và trong dòng họ Nguyễn Đình, người nổi danh nhất không phải là Tú Xuất mà chính là cụ thân sinh ra ông, cụ Nguyễn Đình Lập (còn được gọi là cụ Đốc vì cụ làm đốc học-tức phụ trách việc giáo dục của một tỉnh).
Cụ Lập đỗ cử nhân được bổ nhiệm làm Đốc học Hà Nội, sau đó là Nghệ An. Dù chỉ đỗ cử nhân mà được làm Đốc học ở một đất học như Nghệ An là xưa nay hiếm. Những năm Hà Thành thất thủ cụ Lập còn quay lại làm Đốc học ở Hà Nội (khoảng 1882). Sau đó cụ về Nam Bộ làm Đốc học tỉnh Biên Hòa, rồi làm tới tuần phủ Biên Hòa, mộ cụ bà hiện vẫn được mai táng trong đó.
Cụ Đốc được ba người con trai, con trưởng là Nguyễn Đình Xuất (chính là cụ Tú Xuất), thứ hai là Nguyễn Đình Trọng, con trai út là Nguyễn Đình Trung. Cả ba ông chỉ đỗ tú tài. Cụ Đốc có nhiều công lao trong việc dạy học và được ghi tên ở Quốc Tử Giám Huế.
------------------------------------
Sau Một Ðêm Ngủ Trọ


Cuỗm được một vố ở nhà một bà góa, Tú Xuất đi thẳng một lèo ra thành phố Nam Ðịnh. Sau những ngày ăn chơi, khi thấy túi đã cạn tiền, Tú Xuất đi mua cái vali, đem mấy cục gạch & giấy bồi bỏ vào, rồi khệ nệ xách đến một nhà hàng cơm, đánh chén một bữa no say, rồi ngủ trọ luôn đó.
Trước khi đi ngủ, Tú Xuất đưa vali cho bà chủ nhà hàng cất hộ. Bà hàng đỡ lấy:
- Chà, vali có tiền bạc không mà nặng thế này ? Bà hàng vừa đỡ lấy vừa hỏi:
- Có chút đỉnh thôi, còn thì quần áo & sách vở. Tôi đi thăm ông cụ tôi đang làm án sát Bắc Ninh, đâu cần phải đem nhiều tiền bạc.
Bà hàng tưởng thật, đem vali cất vào chỗ gần giường Tú Xuất nằm.
Ðêm đến, Tú Xuất thừa lúc mọi người ngủ say, khẽ rón rén lại mở vali đem gạch & giấy bồi bỏ vào thùng rác nơi góc nhà, rồi trở lại giường, đánh một giấc ngon lành.
Tới sáng, bà chủ hàng cơm dậy trước, nhìn thấy chiếc vali bị mở tung, bên trong không còn vật gì, tá hỏa lên, đánh thức Tú Xuất dậy:
- Chết rồi, vali của ông bị bọn trộm mở, lấy hết đồ đạc, làm sao bây giờ ?
Tú Xuất ngồi xổm dậy, ra vẻ sửng sốt:
- Làm sao, tôi biết đâu được, tôi gửi bà cất mà. Bà phải bồi thường chứ còn làm sao nữa ?
Bà hàng đã đuối lý, lại sợ anh chàng là con quan án sát nữa, lại tưởng mất trộm thiệt, nên chỉ còn cách năn nỉ. Lời qua, tiếng lại cuối cùng Tú Xuất mới chịu nhận tiền bồi thường mười nén bạc.
Tú Xuất đi rồi, bọn đầy tớ nhà hàng, chiều đến mới phát hiện ra ở thùng rác lại có giấy bổi & mấy cục gạch, những thứ mà nhà hàng không có. Lúc ấy, người ta mới nhận ra anh chàng ngủ trọ đêm qua là một tên đại bịp. Nhưng mà chỉ còn nước nhìn nhau mà chửi rủa, chứ biết làm sao được, vì hắn đã mất hút từ sáng kia rồi.
Thế là, Tú Xuất lại kiếm được một món tiền to nữa.

-------------

Giống Mèo Cũng Khôn Ngoan & Lý Sự
Một hôm trời tối, Tú Xuất vào nghỉ tại một nhà hàng nọ ở bên đường cái quan, ở đó, đã có anh hàng mèo đến trước ngồi chễm chệ trên giường, bên cạnh để đầy lồng nhốt đầy mèo.
Tú Xuất đành ngồi giường dưới. Chủ quán thấy vậy nói với anh hàng mèo:
- Ðể ông Tú ngồi giường trên, kẻo ông ngồi trên, để cái lồng mèo bất tiện lắm.
Người buôn mèo không chịu, lý sự:
- Tôi tưởng cái phép ở hàng quán, ai đến trước thì ngồi trên, ai đến sau ngồi dưới, tôi đã ngồi đây thì cứ ở đây.
Tú Xuất nghe nói thế, bèn bảo chủ quán:
- Ông bạn nói phải đấy, ông cứ ngồi tự nhiên, vì còn cả lồng mèo nữa mà.
Ðêm khuya, thừa lúc người bán mèo ngủ say, Tú Xuất lẻn dậu, khẽ tháo mấy cái que cài miệng lồng. Bao nhiêu mèo đều chui ra hết, con nào con nấy, tự do đi lại, leo trèo khắp nơi, kêu "ngao", "ngao" rầm rĩ. Người buôn mèo giật mình thức dậy, vội vã gọi nhà hàng:
- Ơi ! Ông chủ ơi ! Mèo tôi ra hết rồi, ông có mau mau đốt đèn lên giúp tôi bắt chúng nó lại không?
Lúc đèn thắp sáng rồi, người buôn mèo thấy con ở mặt đất, con ở giường trên, con giường dưới, có con leo tận xà nhà. Anh ta ngơ ngác kêu:
- Mấy con mèo phải gió kia, chúng bay báo hại tao.
Tú Xuất ở giường dưới, lúc đó thấy động, cũng thức dậy, trỏ tay vào lũ mèo, nói:
- Giống mèo cũng khôn ngoan & lý sự lắm đấy ! Chà, con nào ra trước thì được ngồi trên cao, con nào ra sau thì phải ngồi dưới thấp.
Người buôn mèo biết là Tú Xuất nói kháy mình, nhưng không dám nói gì, vì còn phải lo tìm bắt lại lũ mèo vừa thoát.

------------

Nâu Này Của Tôi Hay Của Cô

Một hôm, Ba Giai đến quầy của cô hàng nâu nổi tiếng đanh đá. Ba Giai ra đi không mặc quần, chỉ mặc một cái áo dài rộng thùng thình mượn của ông chủ nhà hàng cơm.
Tới chỗ hàng nâu, Ba Giai cứ chọn mấy củ nâu đưa lên đưa xuống, rồi thừa lúc cô hàng ngoảnh đi, Ba Giai ôm bụng ù té chạy.
Cô ả giật mình, ngỡ tên ăn cắp nâu, liền ba chân bốn cẳng chạy theo bắt lại, vừa chạy vừa la:
- Thằng trời đánh thánh vật, trả nâu cho bà đi, không mày chết bỏ cha bây giờ !
Thiên hạ đổ nhào ra xem.
Một lúc, Ba Giai bước thủng thẳng. Cô hàng xấn tới nắm được áo. Ba Giai cũng quay lại nắm áo cô hàng. Người ta tưởng sẽ bắt được một vụ ăn cắp nâu. Nhưng khi cô hàng thét:
- Trả nâu cho tao, thằng khốn nạn !
Ba Giai liền tốc áo dài lên:
- Nâu đâu mà trả? Nè đây, "nâu" này của tôi hay của cô? Bà con làng nước làm chứng cho; "nâu" đây rõ là của tôi, mà con mẹ này nó bảo là của nó, nâu nó đâu phải thứ nâu này !
Cô hàng mặt đỏ gay, biết bị xỏ, toan chạy, nhưng Ba Giai đã nắm chặt lấy áo:
- Con kia, mày dám vu tao ăn cắp nâu giữa chợ, tao phải đưa mày lên quan cho ra chuyện.
Vừa nói, Ba Giai lại vừa kéo áo dài lên, vừa hỏi lặp trở lại:
- Mày thấy nâu này của tao hay của mày?
Cô hàng biết gặp tay bợm xỏ, lại đuối lý, nên chỉ còn nước hạ thấp giọng xuống để lạy van năn nỉxin Ba Giai tha lỗi. Ba Giai tha cho & bảo:
- Từ nay, mày bỏ cái giọng chu ngoa đanh đá đi, không tao còn trở lại đây nữa, thì mày chớ trách tao là ác. Tội nghiệp cô ả lủi thủi về chỗ, mặt mày xanh nhợt như không còn một giọt máu nào.

-------------


Tao Bóp Ngay Ðây Cho Mà Coi


Ba Giai đến cô hàng chim ở cửa Bắc. Ba Giai ăn mặc lịch sự lắm, nên nhác thấy, cô hàng đã đon đả chào mời:
- Chim này béo lắm, còn non, mời ông khách mua đi !
Ba Giai thừa dịp tươi cười đáp:
- Chim à, nào bắt đưa đây một cặp, xem có béo không?
- Ai mà lại nói dối ông khách.
Vừa nói, cô hàng vừa bắt ra một cặp. Ba Giai sờ đôi chim, lại bảo:
- Cô bắt tôi cặp kia nữa !
Cô hàng chim lại bắt ra cặp nữa, hai tay cô nắm hai cặp chim, Ba Giai cứ sờ mó cặp chim mãi, rồi chê lên chê xuống, không hỏi giá cả gì cả, đã thế lại khoắng tay vào lồng, bắt thêm mấy cặp đưa cho cô hàng:
-Cô cầm giùm tôi thêm cặp này nữa !
Rồi Ba Giai lại sờ bóp cặp chim. Thấy thế cô hàng cả giận, nổi giọng đanh đá:
-Trả giá không trả, cứ bắt hết cặp này cặp nọ, mà nắn với bóp, hư cả chim người ta, muốn bóp thì về nhà mà bóp !...
Tức thì, Ba Giai nổi nóng lên:
- Tao nói cho mày hay, con phải gió, mày đừng có giở giọng chua ngoa, mày đã nói thế, thì tao chẳng cần phải về nhà mới bóp, mà bóp ngay đây cho mày coi.
Cô hàng định cất giọng chua ngoa, nhưng chưa kịp, Ba Giai đã đưa mạnh hai bàn tay vào hai gò ngực của cô mà bóp. Cô ả vì thình ***h, lại bị hay tay mắc giữ mấy cặp chim, chả lẽ vất chim đi, nó bay mất, mà càng la hét, người ta càng đổ đến xem, thành ra bị Ba Giai chơi cho một vố nên thân ở trước đám đông trong chợ.
Cô ả tức quá, chỉ còn nói được một câu:
- Bữa nay, bà không tiếc mấy con chim, thì bà sẽ kẹp cho mày vỡ sọ ra ...
Nhưng lúc cô ta bỏ được chim vào lồng, thì Ba Giai đã đi mất hút trong đám đông đời nào rồi. 

---------

Gặp Cô Hàng Mắm Tôm Chợ Ðồng Xuân

Sau khi về nhà cúng giỗ bố xong, Ba Giai khăn áo chỉnh tề ra Hà Nội. Ba Giai vào trọ một nhà hàng cơm nọ. Trong lúc chuyện trò, bà chủ nhà hàng cho biết:
- Chẳng giấu gì ông, lẽ ra tôi còn bán hàng ở chợ Ðồng Xuân nữa, nhưng không thể nào chịu được mấy con ả cực kỳ đanh đá chu ngoa, mỗi đứa một phách, nhất là cô ả hàng mắm tôm.
Ba Giai ra vẻ anh hùng đáp:
- Có gì mà phải sợ, nó đã chu ngoa đanhđá, thì mình phải có cách trị nó, bà hiền quá chứ vào tay tôi thì...
Bà chủ quán nguýt một cái trả lời:
-Thôi, ông ơi, tôi cũng van ông thôi, du côn ở đây còn kiêng mặt bọn chúng, chứ người như ông, chúng nó coi ra gì.
- Bà nói thế, nếu tôi trị được chúng nó thì bà mất gì đây?
- Trị chúng nó à? Ông mà trị được thì tôi cho không ông hẳn một phòng để ở, & nuôi luôn cơm rượu mãn đời, không bao giờ lấy tiền.
- Bà nói chơi hay nói thật?
- Tôi nói thật đấy. Nếu không tin tôi thề có trời đất & quỷ thần chứng giám.
- Thôi, thế thì được, sáng mai, bà sẽ xem tôi sẽ vào cuộc ngay.
Ngày mai, vào lúc gần trưa, Ba Giai cởi trần, chỉ mặc một cái quần "vận", không giây lưng, hay dải rút, rồi gài mấy đồng tiền kẽm bên lưng quần, ra đi.
Tới ngoài đường, Ba Giai nhặt một miếng lá chuối bên đường, phủi sạch đất, bụi, rồi tới chỗ cô hàng bán mắm tôm ở cửa nam.
- Cô bán cho hai đồng mắm tôm !
Cô hàng bảo:
- Lấy cái gì mà đựng?
Ba Giai chìa miếng lá chuối ra:
- Cô đổ vào đây, tôi đùm lại tạm vậy.
Cô hàng sơ ý, lại cũng rắn mặt, nên chẳng ngần ngại liền múc ngay mắm tôm đổ vào miếng lá chuối được đặt giữa lòng hai bàn tay ông khách. Xong, ông khách bảo:
- Phiền cô lấy hộ tiền, tôi dắt nơi cạp quần đây này.
Cô hàng tưởng ông khách quê mùa chất phác, không dè vừa đưa tay vào cạp quần lấy tiền, Ba Giai thót bụng lại, tức thì chiếc quần tụt xuống ngay. Ba Giai la ầm ĩ:
- Chết chửa, sao giữa thanh thiên bạch nhật, cô lại cởi quần tôi ra thế này, "của" tôi cũng như "của" người khác, có gì lạ đâu?
Cô hàng mắm xấu hổ đỏ mặt, vội kéo quần Ba Giai lên, vặn lại, Ba Giai lại thót bụng, quần lại tụt, & ông lại kêu lên:
- Cô làm gì thế này? Tôi đã bảo "của" tôi cũng như "của" người khác, chẳng có gì lạ mà !
Cứ như thế đến mấy lần, sau cô ta phải đổ mắm tôm trở lại, rồi chạy đi lấy nước rửa tay cho Ba Giai để ông tự vặn lấy quần lại, rồi cầm tiền ra đi.
Lúc ấy, các bạn hàng & người mua bán bu lại xem đông, làm cô hàng mắm càng ngượng ngùng, xấu hổ thêm. Sau đó, cô phải nghỉ luôn cả mấy ngày, & từ đó cũng bỏ bớt tính chua ngoa, đanh đá.
Trưa hôm ấy về, bà chủ hàng cơm nghe người thuật lại, liền thết Ba Giai một bữa thật say.

------------

Chỗ rẽ đây phải không?

Khi đến một quán nước ở gần địa phận hạt Gia Lâm, Ba Giai vào quán uống nước để tiếp tục lên đường. Lúc ấy, mặt trời đã xế trưa. Bà chủ quán bảo:
- Ông khách hãy nghỉ lại, chốc nữa lên đường.
Ba Giai hỏi lý do, bà chủ quán cho biết ở cách đây mấy không xa, có một cái cầu cây bắc qua một con kênh nhỏ, cứ giờ này là các cô gái trong làng rủ nhau ra tắm truồng cả lũ. Ba Giai biết vậy, cũng cứ từ giã. Khi ra khỏi quán, Ba Giai lấy khăn bịt mắt lại, giả làm người mù, & lấy một cây gậy. Ðến chỗ gần cầu, Ba Giai vừa đi vừa chống, bước bên này xiên bên kia. Mấy cô đang tắm truồng, nô giỡn dưới kênh, một cô bảo:
- Tội nghiệp ông già mù kia, không khéo qua cầu, ông ấy té xuống đây mất.
Nói rồi, cô ta để cái thân hình phốp pháp trắng nõn, trần như nhộng, đi lên nắm tay Ba Giai.
- Ông già đưa tay tôi dắt qua cầu, không té xuống kênh theo hà bá bây giờ.
- Cám ơn cô thương kẻ mù lòa tàn tật.
Nói đoạn, Ba Giai nắm lấy cổ tay cô để qua cầu. Khi tới đầu cầu bên kia, Ba Giai hỏi:
- Ðã tới chỗ rẽ chưa?
- Chưa, hãy còn ở trên cầu, chứ rẽ đâu mà rẽ.
Một lúc đến chỗ rẽ, cô gái nọ lên tiếng:
- Già ơi là già, chỗ rẽ đây nè!
Tức thì Ba Giai mở choàng mắt ra, tay cầm cây gậy chỉ ngay vào chỗ kín của cô nọ:
- Chỗ rẽ đây phải không? Nàó
Cô kia xấu hổ quá, giằng tay ra chạy, nhảy xuống kênh, la bai bải:
-Chúng bay ơi, cái ông già phải gió giả mù !...
Ðã thế, Ba Giai còn đứng trên bờ kênh gọi xuống:
-Xin cám ơn các cô đã dắt lão qua cầu!
- Thôi đi đi, đồ phải gió, chơi lỡm người ta còn ơn với nghĩa cái gì?...
Ba Giai đi rồi, câu chuyện ấy được đồn đại khắp nơi, & từ đó, trên dònh kênh nọ bóng dáng các cô tắm truồng cũng thưa dần.

-----------




Share this article :

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

 
Support : Creating Website | BacNguyenA2Z Template | BacNguyen Template
Proudly powered by BacNguyenA2Z
Copyright © 2011. BacNguyenA2Z - All Rights Reserved
Original Design by Creating Website Modified by BacNguyenA2Z